Brazil đang kiệt quệ nhân tài khi các sao chỉ còn là hoài niệm

Khi mà Vua Bóng Đá Pele phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển của bóng đá Brazil thua cả bóng đá Mỹ, khi mà HLV Dunga phải triệu tập một tiền đạo đã 35 tuổi là Ricardo Oliveira cho trận “Siêu kinh điển” với Argentina, khi đó bóng đá xứ sở Samba chắc chắn phải có vấn đề.

Brazil đang kiệt quệ nhân tài khi các sao chỉ còn là hoài niệm

Những giọt nước mắt của Luiz, chấn thương của Neymar ở World Cup 2014 chỉ là bề nổi của thực trạng bóng đá ở Brazil

  • Tổng hợp link sopcast xem bóng đá trực tuyến.

MỘT THỜI VANG BÓNG

Kể từ những kỳ World Cup đầu tiên, Brazil đã luôn luôn rực rỡ và hào nhoáng như chính sắc áo vàng của họ. Tham dự đấu trường nào, Selecao cũng nghiễm nhiên được xem là ứng viên vô địch số một ở đấu trường đó. Bộ sưu tập danh hiệu của họ có kể cả ngày cũng không hết, trong đó không thể không nhắc tới 5 chức vô địch World Cup (kỉ lục thế giới), 8 Copa America, 5 chức vô địch World Cup U20 và 5 lần vô địch World Cup lứa U17.

Thời nào, nhân tài đá bóng ở Brazil cũng nhiều như… cỏ dại, lớp này tàn thì lớp khác lại mọc lên. Chẳng thế mà có chuyện những Mario Jardel, Giovane Elber dù chơi vô cùng hay ở cấp độ CLB cũng chưa bao giờ được sắm vai nhân vật chính ở ĐTQG; Deco, Pepe hay Marcos Senna tài năng là thế còn phải khăn gói chuyển quốc tịch sang các đội tuyển châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha để tìm cơ hội tỏa sáng tại đấu trường quốc tế.

Ấy thế thế mới sinh ra chuyện dù được xưng tụng là “Vua bóng đá”, đã ghi tới hơn 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp, Pele vẫn chưa được xem như nhân vật vĩ đại nhất của làng túc cầu Brazil. Thay vào đó là Garrincha, một huyền thoại khác kém nổi bật hơn, nhưng tài năng chẳng hề thua kém. Đến huyền thoại của những huyền thoại như Pele mà còn phải chật vật kèn cựa vị thế số một, đủ thấy xứ Samba thừa thãi nhân tài thế nào.

TỪ BỎ JOGO BONITO

Khi mà đích thân Vua Bóng Đá Pele phải thừa nhận rằng tốc độ phát triển của bóng đá Brazil đang thua cả bóng đá Mỹ, quốc gia vốn xem trọng bóng bầu dục, bóng rổ và bóng chày hơn (bóng đá thường bị liệt vào hạng mục “các môn thể thao khác” ở các bản tin), khi mà HLV Dunga bế tắc đến mức phải triệu tập một tiền đạo đã 35 tuổi (nhưng có số lần khoác áo ĐT chỉ bằng… 1/5 lần Neymar – 13 so với 67) cho trận “Siêu kinh điển” với Argentina, khi đó bóng đá xứ sở Samba chắc chắn đã có vấn đề.

Đỉnh điểm của thất vọng là trận thua Đức tại bán kết World Cup 2014, ngay tại Belo Horizonte. Nhưng thực ra, những vấn đề của Brazil đã tồn tại từ nhiều năm nay. Có lẽ là từ năm 2007, năm mà U17 và U20 Brazil đồng loạt bị loại từ vòng 16 đội các giải thế giới trẻ, hoặc cũng có thể là từ sau năm 2002, lần gần nhất Selecao lên đỉnh thế giới. Dù thế nào, họ cũng đã thay đổi theo hướng tiêu cực trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, và số lượng danh hiệu các cấp độ đội tuyển của Brazil cũng tỉ lệ thuận với đà thay đổi đó.

Juninho Paulista, một thành viên của đội hình Brazil lên ngôi tại World Cup 2002 gọi trận thua 1-7 cách đây hơn 1 năm trước ĐT Đức là “dấu hiệu đáng báo động cho nền bóng đá nước nhà”. Juninho cho rằng cầu thủ Brazil lúc này quá thiên về “sức mạnh thể chất” với những gã cơ bắp như Fernandinho, Luiz Gustavo hay Dante mà quên mất những tiền vệ sáng tạo, vốn luôn được xem là truyền thống của bóng đá Brazil.

Brazil lúc này bệ rạc, nhạt nhòa, thiếu cá tính

Những Ronaldinho, Kaka đang dần bị thay thế bằng mẫu tiền vệ hiện đại kiểu châu Âu, như Roberto Firmino hay Casemiro. Từ khẩu hiệu “Jogo Bonito” (Bóng đá đẹp), người Brazil đang học cách đá thực dụng, chặt chẽ của lục địa già. Ngược lại, một vài quốc gia châu Âu lại đang sở hữu những cá nhân “Jogo Bonito” chẳng kém bất kì ngôi sao Brazil đích thực nào, đặc biệt là Tây Ban Nha và mới đây là Đức.