Giải quyết xung đột khi có tranh chấp tên miền

>>>>>> mua vps giá rẻ tại iNET

Tên miền là gi?

Tên miền xuất phát từ thuật ngữ tiếng Anh “Domain Names” (thường được viết tắt là DN) là tên được sử dụng để định danh các điạ chỉ trên Internet. Internet gồm một mạng lưới hàng nghìn các mạng máy tính độc lập có chứa hàng triệu máy chủ cung cấp thông tin. Trường hợp muốn lấy thông tin hoặc trao đổi thông tin dưới dạng email, chia sẻ hình ảnh hoặc tác phẩm âm nhạc từ một máy chủ cụ thể, người sử dụng phải biết chính xác địa chỉ internet của máy chủ đó thì mới có thể thực hiện được công việc này. Địa chỉ của máy chủ được biểu thị bằng một dãy số duy nhất gọi là giao thức Protocol (địa chỉ IP). Ví dụ địa chỉ IP của nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm khổng lồ GOOGLE INC là 209.85.129.18. Tuy nhiên, việc biểu thị địa chỉ IP bằng dãy số khiến người sử dụng không thể nhớ được, vì vậy, người ta đã nghĩ ra cách biến địa chỉ IP đó thành một tên miền có thể nhớ được. Chẳng hạn như trường hợp GOOGLE.COM, người sử dụng chỉ cần nhớ tên miền GOOGLE.COM mà không cần phải nhớ địa chỉ 209.85.129.18 vì trên mỗi máy chủ đã cài đặt sẵn một công cụ chuyển đối tự động từ GOOGLE.COM thành dãy số ứng với địa chỉ IP 209.85.129.18.

>>>>> hướng dẫn mua hosting tại iNET

Các loại tên miền và cấu trúc của nó

Tên miền bao gồm tên miền quốc tế dùng chung (generic top level domain) viết tắt là gTLD (ví dụ: .COM) và tên miền quốc gia dùng chung (country code Top Level Domain) viết tắt là ccTLD (ví dụ: .VN của Việt Nam, .SG của Singapore, .JP của Nhật Bản, .CN của Trung Quốc).
Dưới tên miền cấp cao nhất dùng chung là các tên miền định danh một địa chỉ IP cụ thể. Ví dụ:
Tên miền cấp 2: bross.vn
Tên miền cấp 3: trungnguyen.com.vn
Tên miền cấp 4: trade.garco10.com.vn
Tuỳ theo lĩnh vực hoạt động của chủ thể đăng ký, các tên miền dùng chung được phân loại theo lĩnh vực. Ví dụ: .COM/.BIZ dùng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; .EDU dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; .GOV.VN dành cho các cơ quan, tổ chức nhà nước ở trung ương và địa phương; .NET.VN dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết lập và cung cấp các dịch vụ trên mạng.

Tại sao phải đăng ký tên miền?

Theo nguyên tắc chung trên thế giới hiện nay tên miền sẽ được đăng ký nếu thoả mãn 2 điều kiện: duy nhất và ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước. Do vậy, để sở hữu tên miền, bạn phải tiến hành đăng ký tên miền bạn dự định sử dụng với cơ quan quản lý về tên miền càng sớm càng tốt.

Do được dùng để định danh các địa chỉ trên Internet, thay thế cho địa chỉ IP gồm một dãy số khó có thể ghi nhớ, tên miền dần dần đã trở thành một công cụ trao đổi thông tin và quảng bá tuyệt vợi trong thế giới kinh doanh hiện đại như ngày nay. Vì thế ngày nay tên miền đã trở thành là một trong những nguồn tài nguyên Internet vô cùng quý giá của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia.
Tranh chấp tên miền đã không còn là vấn đề nhỏ!

Sơ suất không đăng ký tên miền quốc gia .VN, tên miền ebay.com.vn của Công ty Ebay Inc có trụ sở tại số 2145 Hamilton Avenue San Jose Hoa Kỳ – một công ty nổi tiếng thế giới về kinh doanh bán đấu giá hàng hoá qua Internet, đã được trao quyền sở hữu cho Công ty TNHH Mộc Mỹ (đã đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ À Lô). Vụ tranh chấp tên miền ebay.com.vn giữa Ebay Inc và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ À Lô đã kéo dài suốt 2 năm nay mà vẫn chưa đến hồi kết.

IBM (viết tắt từ International Business Machines Corporation) là một thương hiệu nổi tiếng thế giới và là một công ty đa quốc gia lâu đời có uy tín và danh tiếng gắn liền với các sản phẩm máy tính và dịch vụ tin học. Cũng vì lý do chậm chân, IMB đã đánh mất tên miền ibm.com.vn của mình khi tên miền này đã bị đăng ký trước bởi Ông Lý Gia Khang vào ngày 28/08/2003.
Vụ việc tranh chấp tên miền toyotavn.vn, camry.vn, innova.vn giữa Công ty Ô tô Toyota Việt Nam với Công ty INGAS, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Kim Long đã bắt đầu từ ngày 4/10/2006 mà vẫn chưa có lời kết.

Những ví dụ trên cho thấy tranh chấp tên miền đã không còn là vấn đề nhỏ nữa mà nó đã và đang thực sự trở thành một mối lo ngại lớn trong hoạt động kinh doanh. Tranh chấp tên miền là tranh chấp giữa các chủ thể khác nhau liên quan đến tình trạng sở hữu tên miền. Đôi khi tranh chấp tên miền cũng có thể liên quan đến khiếu nại giữa chủ thể xin đăng ký tên miền với cơ quan quản lý tên miền hoặc nhà đăng ký tên miền trong quá trình yêu cầu cấp phát hoặc từ chối cấp phát.

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tên miền

Thông thường một doanh nghiệp thường sử dụng chính thương hiệu công ty hoặc thương hiệu sản phẩm của mình để làm tên miền vì một mặt điều đó sẽ giúp cho khách hàng dễ nhớ và không bị nhầm lẫn với hàng hoá/dịch vụ của doanh nghiệp khác mà còn giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng cường quảng bá và xây dựng giá trị thương hiệu của mình bằng một hệ thống nhận diện nhất quán được phát triển trên môi trường Internet.

Như đã nói ở trên tên miền sẽ được cấp phát nếu thoả mãn hai điều kiện: duy nhất và ai đăng ký trước, được cấp phát trước. Điều này có nghĩa cơ quan đăng ký tên miền sẽ không tiến hành thẩm định liệu việc đăng ký tên miền của chủ thể này có gây nhầm lẫn với thương hiệu của chủ thể khác hay không. Có thể nói đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng tranh chấp và xung đột tên miền ngày càng tăng trong những năm gần đây giữa các doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác dễ thấy là việc một số chủ thể lợi dụng nguyên tắc cấp phát tên miền và lợi dụng chủ thể đích thực không đăng ký tên miền, nên đã “nhanh chân” dùng chính nhãn hiệu, tên thương mại hoặc nhân vật thuộc quyền tác giả của người khác để xin cấp tên miền trước dưới tên của mình. Mục đích của những đối tượng này là:
(i)  Ngăn cản trái phép quyền lợi hợp pháp của người có thương hiệu, tên thương mại, và/hoặc
(ii) Đầu cơ tên miền để chào bán cho chủ sở hữu đích thực với giá cao nhằm kiếm lợi bất chính, và/hoặc
(iii) Quảng bá thông tin không trung thực, thiếu lành mạnh qua tên miền đó nhằm cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhằm thực hiện ý đồ xấu.

Giải quyết tranh chấp Tên miền

Ở phạm vi quốc tế, các tranh chấp tên miền quốc tế cấp cao nhất dùng chung (gTLD), điển hình là tên miền quốc tế .COM thường được giải quyết bằng Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Rules Uniform Domain Name Dispute Resolution Policy) do Tổ chức quản lý Tên miền và số hiệu mạng thế giới (ICANN) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xây dựng. Chính sách này khuyến nghị giải quyết tranh chấp theo 2 phương thức: hoà giải (Alternative Dispute Resolution – ARD) hoặc trọng tài (Arbitration).

Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền này được thực hiện trên nguyên tắc tổ chức quản lý tên miền uỷ nhiệm cho một tổ chức có năng lực giải quyết tranh chấp tên miền bằng biện pháp trọng tài. Khi phán xử, cơ quan trọng tài sẽ áp dụng quy định của chính sách giải quyết tranh chấp tên miền. Tổ chức quản lý tên miền quốc tế sẽ thực hiện theo phán quyết của cơ quan trọng tài.

TRUNG TÂM INTERNET VIỆT NAM (VNNIC)

Ở Việt Nam, các tranh chấp tên miền đã xuất hiện từ đầu những năm 2000 tuy nhiên trong suốt một thời gian dài do Việt Nam chưa có chính sách về giải quyết tranh chấp tên miền nên các tranh chấp hầu như chưa được giải quyết triệt để. Biện pháp giải quyết chủ yếu được Trung tâm Internet (“VNNIC”) – Bộ Thông tin và Truyền thông – Cơ quan cấp phát và quản lý tên miền quốc gia .VN khuyến nghị vẫn chỉ là các bên tranh chấp tự đám phán hoà giải với nhau.

Đến khi Luật Sở hữu trí tụê ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, thì một số hành vi như đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng đều bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại Điều 130.

Tuy nhiên, các tranh chấp tên miền là dạng tranh chấp đặc biệt vì vậy vẫn cần thiết phải ban hành một cơ chế pháp lý cụ thể làm cơ sở pháp lý cho các bên giải quyết bằng biện pháp toà án hoặc trọng tài. Vì vậy, trên cơ sở tham khảo thực tiễn giải quyết tranh chấp tên miền trên thế giới, gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 quy định về việc giải quyết tranh chấp tên miền .VN (“Thông tư 10/2008”) nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet và Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành chính thức một cơ chế rõ ràng và đầy đủ về việc giải quyết tranh chấp tên miền .VN. Theo quy định, các bên tranh chấp có thể lựa chọn một trong 3 phương thức giải quyết tranh chấp: hoà giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại toà án.

Theo quy định của Thông tư 10/2008, cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp tên miền ngoài việc tuân thủ các quy định về tố tụng dân sự hoặc tố tụng trọng tài còn phải đáp ứng 3 điều kiện sau:

(i)      Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của Người khiếu kiện; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà Người khiếu kiện là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp;

(ii)    Người bị khiếu kiện không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó.

(iii) Tên miền đã được Người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với Người khiếu kiện.
Những hành vi như cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của Người khiếu kiện vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính; hoặc chiếm dụng, ngăn không cho người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó; hoặc hủy hoại danh tiếng của Người khiếu kiện, cản trở hoạt động kinh doanh của Người khiếu kiện hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của Người khiếu kiện.

Người bị khiếu kiện được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền nếu đáp ứng một trong những điều kiện: đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp; hoặc được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ; hoặc đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của Người khiếu kiện.

Nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền .VN và VNNIC căn cứ vào bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc trọng tài phải thực hiện một trong các công việc sau:

(i)            Thu hồi tên miền để ưu tiên Người khiếu kiện đăng ký sử dụng, hoặc giữ nguyên hiện trạng của tên miền;

(ii)           Thực hiện các quyết định khác liên quan tới việc thu hồi, treo, giữ có thời hạn tên miền có tranh chấp.

(iii)          Trong quá trình giải quyết tranh chấp, tên miền đang có tranh chấp phải được giữ nguyên hiện trạng, không được phép trả lại, thu hồi, chuyển đổi Nhà đăng ký tên miền “.vn” hay chuyển đổi tổ chức, cá nhân mới.

(iv)          Trường hợp biên bản hòa giải thành; quyết định đã có hiệu lực của trọng tài; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nêu rõ tên miền tranh chấp bị thu hồi cho phép Người khiếu kiện đăng ký sử dụng thì Người khiếu kiện được ưu tiên đăng ký trong vòng mười (10) ngày liên tục kể từ khi có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn này tên miền sẽ được cho đăng ký tự do.

Thay cho lời kết

Tên miền đã và đang được thừa nhận là một trong những công cụ marketing hữu hiệu nhất trong môi trường kinh doanh hiện nay vì nó không những có giá trị tương đương như một thương hiệu mà còn góp phần quan trọng trong việc tiếp tục quảng bá và xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp trong một “thế giới phẳng không biên giới”.
Để tránh nguy cơ xung đột tên miền và thương hiệu cũng như để củng cố căn cứ pháp lý nhằm phòng chống hành vi chiếm đoạt tên miền và thương hiệu, các doanh nghiệp nên chủ động đăng ký bảo hộ thương hiệu và tên miền của mình trong thời gian sớm nhất có thể.