V-League 2016 đón làn sóng trẻ mới mẻ và đầy tài năng

Có một thực tế rất đáng chú ý và đáng mừng là hiện nay, một loạt đội bóng thay vì tung tiền kích hoạt “bom tấn” trên TTCN, đã chuyển hướng nhắm đến các cầu thủ trẻ.

V.League 2016 đón làn sóng trẻ mới mẻ và đầy tài năng

Những cầu thủ trẻ vừa làm nên chiến công lên hạng cho CLB Hà Nội là một trong những làn gió trẻ đáng chờ đợi ở V-League 2016 

  • Tổng hợp link sopcast xem bóng đá trực tuyến.

NHÀ GIÀU KHÔNG MUA BÁN
Đến thời điểm này, B.BD vẫn chưa có bản hợp đồng nào đình đám. Họ chỉ thử việc một số gương mặt được đánh giá là tàm tạm ở mặt bằng V-League. Thậm chí, họ còn cho phép Hoàng Văn Bình đến FLC Thanh Hóa và sẵn sàng tạo điều kiện để các cầu thủ khác được chuyển nhượng nếu có mong muốn. B.BD có nhiều tiền, nhiều ngôi sao khao khát được đến với đội bóng này nhưng lãnh đạo đội bóng đang có những thay đổi quan trọng về định hướng phát triển. Họ muốn hướng đến một nền tảng ổn định từ việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ, thay vì vung tiền sắm sao một cách vô tội vạ.

Không mấy hào hứng với thị trường chuyển nhượng không phải là câu chuyện riêng của B.BD. Những đội bóng có nền tảng tài chính tốt như Hà Nội T&T, CLB Hà Nội cũng không có chuyển động đáng kể trên thị trường chuyển nhượng. Có tin Hà Nội T&T chiêu mộ Hoàng Thịnh nhưng đến nay, tiền vệ này vẫn thuộc về SLNA. Rồi, CLB Hà Nội, một tân binh của V-League lẽ ra phải tích cực tăng cường lực lượng thì lại tuyên bố, đặt niềm tin vào bộ khung cũ. Nên nhớ rằng, việc CLB Hà Nội không mặn mà với thị trường chuyển nhượng không phải là do thiếu tiền mà lãnh đạo đội bóng này có niềm tin đặc biệt với những cầu thủ trẻ đang bước vào độ chín.

TIN VÀO LỚP TRẺ, VÌ SAO?

Câu hỏi đặt ra là tại sao một loạt đội bóng lại dành niềm tin mãnh liệt cho các cầu thủ trẻ? Có nhiều lý do để giải thích điều này. Cầu thủ trẻ do chính các đội bóng đào tạo sẽ giúp xây dựng thành công một lối chơi có bản sắc. Bên cạnh đó, dùng cầu thủ trẻ sẽ giúp các đội bóng có được sự kế thừa và ổn định về nhân sự trong một thời gian dài thay vì phải chi quá nhiều tiền cho những bản hợp đồng với các ngôi sao nhưng chẳng thể đảm bảo sẽ thành công. Nên nhớ rằng, các đội bóng đang đứng trước áp lực rất lớn về việc cân bằng tài chính. Mua nhiều ngôi sao nghĩa là họ phải chi nhiều tiền hơn trong bối cảnh nguồn thu từ tài trợ có nhiều khó khăn.

Lý do tiếp theo khiến các đội bóng mạnh dạn trẻ hóa đội hình là do những hiệu ứng tích cực từ làn sóng trẻ ở V-League 2015. Mùa trước, Sanna Khánh Hòa từng làm mưa làm gió nhờ sức trẻ. Hà Nội T&T đã biến các cầu thủ trẻ vô danh như Duy Mạnh, Duy Khánh, Minh Hải… thành những ngôi sao mới. Rồi nữa, CLB Hà Nội đã giành vé thăng hạng nhờ một đội hình có độ tuổi trung bình chỉ khoảng 23 tuổi. Thậm chí, theo tiết lộ của chủ tịch đội bóng này, ông Nguyễn Giang Đông thì “cầu thủ già nhất của CLB Hà Nội mới có 25 tuổi. Mùa tới, độ tuổi trung bình của đội vẫn chỉ dao động ở con số 23”. Với riêng SLNA, dù một số cầu thủ trụ cột đã và có thể sẽ ra đi nhưng lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ vẫn có niềm tin vững chắc vào việc hoàn thành mục tiêu trong mùa giải mới. Để có sự tự tin ấy, lãnh đạo SLNA đã thực hiện chính sách tạo nguồn hợp lý, đó là đôn cầu thủ trẻ lên đội 1 từ rất sớm hoặc cho nhiều đội bóng mượn người.

Phong độ ấn tượng của các cầu thủ trẻ ở giải U19 Đông Nam Á và VCK U21 QG vừa qua càng củng cố quyết tâm trẻ hóa của một số đội bóng. B.BD đôn một loạt cầu thủ từng thi đấu thành công ở ĐT U19 QG lên đội 1 thử việc. Trong khi đó, một nửa đội hình của U21 Hà Nội T&T dự giải U21 Quốc gia vừa qua có biên chế thuộc CLB Hà Nội. Và rất đông trong số đó được chọn tham gia ĐT U21 báo Thanh niên dự giải U21 Quốc tế cuối tháng này. Sau khi được trui rèn ở những sân chơi này, họ sẽ trở về làm nòng cốt cho đội bóng ở sân chơi V-League 2016.