PATO ĐẾN CHELSEA: TRỞ LẠI VỚI NHỮNG GIẤC MƠ DANG DỞ

Gia nhập CLB thành London giúp chân sút 26 tuổi người Brazil trở lại châu Âu, để đeo đuổi tiếp giấc mơ chinh phục đỉnh cao mà anh chưa thực hiện được.

10 năm trước tại Nhật Bản, trong trận chung kết FIFA Club World Cup 2006 giữa Barca và Internacional, có một cậu nhóc mặt búng ra sữa được sử dụng trong đội hình xuất phát của nhà vô địch Nam Mỹ Internacional. Cậu nhóc 17 tuổi đó đã đi bóng qua trung vệ huyền thoại Carles Puyol và khiến cho Deco phải phạm lỗi từ phía sau.

Kẻ mang thần thái tự tin ấy là “Zico mới” của bóng đá Brazil, người được dự báo sẽ kế thừa Kaka trong dòng chảy huyền thoại bất tử của một đất nước coi bóng đá như một lẽ sống, đó là Alexandro Pato. Một cái tên mà sau này sẽ tạo ra một bức tranh đặc sắc của riêng anh trên bản đồ bóng đá thế giới. Bức tranh đó có sự hào hùng, có sự kinh ngạc, có sự giận giữ, có sự chán nản, có sự hy vọng và cũng có tiếc nuối.

Ở tuổi 17, Pato làm cả thế giới kinh ngạc khi trình làng ấn tượng trước Barca

“Tôi hạnh phúc khi ký hợp đồng với Chelsea. Đây là giấc mơ thành sự thật đối với tôi. Tôi háo hức được gặp gỡ và tập luyện cùng các đồng đội mới và đang rất mong chờ ngày ra sân thi đấu cống hiến cho đội bóng”, Pato nói trong ngày ra mắt Chelsea hôm 29/1. Anh phát biểu với nụ cười và đôi mắt ánh lên sự sung sướng đang len lỏi qua từng phần nhỏ của tế bào.

Đó là thứ cảm giác tưởng như không bao giờ xuất hiện thêm nữa trên một Pato đỏng đảnh, tự mãn và lười biếng luyện tập của hai năm trước, khi anh bị Corinthians đẩy qua cho Sao Paulo mượn. Nhưng thương vụ chuyển nhượng sang Chelsea lần này đã đánh thức điều đó trong Pato. Khuôn mặt anh tràn trề hạnh phúc khi khoác lên người chiếc khăn Chelsea – vật chứng cho ngày anh quay trở lại châu Âu, để chinh phục và khai phá phần tiềm năng còn lại trong con người của một thiên thần sa ngã.

Ở tuổi đôi mươi, Pato đã là trụ cột gánh vác hàng công Milan và toả sáng ở các trận cầu lớn

Nou Camp, 14/9/2011, chỉ sau 24 giây nhập cuộc, Pato bứt tốc từ giữa sân, ghi một bàn thắng khiến gần 80.000 culé trên khán đài Nou Camp giật mình. Pato vui mừng với hai tay giang rộng, gật gù như thể đó là điều hiển nhiên. Phải, đó là điều hiển nhiên với một thiên tài. Bởi vì Bernabeu hai năm trước cũng từng bị “chú vịt” làm cho khiếp vía rồi.

Cả Real Madrid lẫn Barcelona đều bị Pato chọc thủng lưới trong các trận đấu đối mặt với Milan. Bạn biết điều đó có ý nghĩa gì không? Pato sở hữu bản năng của cầu thủ lớn trong những trận đấu lớn – phẩm chất thường chỉ có ở những Quả bóng Vàng của tương lai. Trước Pato, người gần nhất khiến cả Real lẫn Barca câm lặng là Andriy Shevchenko.

Phó chủ tịch của Milan Adriano Galliani từng nói: “Pato có ADN Champions League trong người”, còn Kaka đưa ra lời nhắn nhủ: “Milan nhất quyết không được bán Pato, vì cậu ấy sẽ là Quả bóng Vàng của tương lai.” Pato đón nhận những lời khen và áp lực đó bằng phong thái của kẻ chiến thắng. Anh ghi bàn ngay trận đấu ra mắt, thành tích chỉ có Van Basten làm được, và có thêm tám bàn nữa ở nửa sau mùa giải đầu tiên khoác áo Milan. Hai mùa giải tiếp theo 2008-2009 và 2009-2010, Pato của tuổi 19 trở thành người gánh vác hàng công của Milan trong những năm tháng điêu tàn của đế chế đỏ đen.

Pato chiến thắng trên sân cỏ, nhưng không thể chiến thắng trước… những người đồng hương. “Người ngoài hành tinh” Ronaldo ghé San Siro có hơn một mùa giải cũng đã đủ để “dìu dắt” Pato vào các vũ trường. Ronaldinho đến sau đó một năm và đưa khả năng ăn chơi đàn đúm của đàn em Pato lên một tầm cao mới. Kết quả, Pato bị vợ bỏ vì quá sa đọa.

Người Brazil là vậy, những thiên tài cảm hứng sống rất bản năng. Năm 2008, Pato sang Việt Nam cùng đội Olympic Brazil, và người hâm mộ Việt Nam đã sững sờ trước vẻ đẹp trai của Pato. Với đôi mắt xanh lơ, mái tóc xoăn, khuôn mặt baby. Pato hớp hồn tất cả. Không bất ngờ khi anh lấy luôn trái tim của người đẹp Barbara Berlusconi – người tình kiêm bà chủ của anh ở Milan. Mối tình đó khiến Pato không còn được nhắc nhiều trên sân cỏ nữa.

Không đành đoạn trước giấc mơ dang dở, Pato quyết chí trở lại châu Âu để khẳng định lại bản thân. Chelsea trao cho anh cơ hội đó

Bi kịch của Pato không chỉ đến từ lối sống, mà còn ở các chấn thương. Pato là nạn nhân của nền công nghiệp bóng đá thích “hái lúa non” để cạnh tranh và mua bán kiếm lời. Anh cũng như Michael Owen hay Theo Walcott, việc tỏa sáng quá sớm đã khiến họ phải chịu những pha vào bóng của các hậu vệ trong khi cơ thể chưa phát triển hết. Và bạn có nhận ra điểm chung của ba cái tên Owen, Walcott và Pato không? Đấy đều là những cầu thủ có sở trường đua nước rút với các hậu vệ.

Tốc độ đưa tên tuổi họ lên đỉnh cao, và tiêu diệt họ bằng các chấn thương sau đó. Tháng 1/2013, Pato ngập chìm trong đen tối và anh quyết định trở lại Brazil để cứu vãn sự nghiệp. Năm ấy, Pato mới chỉ 23 tuổi. Anh đi, để lại một giấc mơ chinh phục châu Âu dang dở từ tuổi 17 cùng niềm tiếc nuối lớn lao không chỉ riêng các tifosi của Milan, mà còn là của các CĐV tuyển Brazil.

Pato đã phải rời bỏ tất cả để quay về Brazil, nhưng giấc mộng châu Âu vẫn đau đáu trong anh. Cách Pato đứng dậy bằng những bàn thắng và lối sống lành mạnh ở CLB Sao Paulo đã giúp giấc mơ quay trở lại lục địa già của anh thành hiện thực. Hạnh phúc hôm nay của Pato đã đánh đổi cả 10 năm chẵn tròn với bao thăng trầm. Nhưng đấy chỉ là giấc mơ vừa thành hiện thực. Điều gì còn lại gì sau cơn mơ mới là điều các CĐV quan tâm.

Pato sẽ như Falcao? Khác chứ. Một con người bị vùi xuống vực sâu như thế mà vẫn vươn lên lại, thì sẽ chẳng có gì đánh gục được khát vọng của họ.